Nhiều gia chủ mong muốn đưa cây xanh vào nhà, vào không gian sống nhưng để mang chúng vào nơi ở sao cho hiệu quả, hợp lý, phải tiến hành thế nào cho đúng thì cần phải xem xét kỹ lưỡng. Cùng tham khảo một số ý kiến từ những người có chuyên môn để áp dụng xem có nên mang cây xanh vào không gian sống và đem vào thì đem cây gì nhé!
Theo Kỹ sư xây dựng Lý Minh Hải – ưu điểm của cây xanh với môi trường ai cũng biết, những quan điểm cổ xuý việc đưa cây xanh vào không gian sống cần phải hiểu nhiều chiều: môi trường, phong thuỷ, kỹ thuật, thẩm mỹ trước khi giải pháp đưa cây xanh vào nhà.
Đưa cây xanh vào không gian sống cần phải hiểu nhiều chiều
Về khía cạnh môi trường
Ở đô thị, không gian bên trong nhà (sân sau hay giếng trời) thường nhận khá ít ánh sáng tự nhiên nên luôn thiếu nắng gió cần thiết cho cây xanh, làm cho nhà phố vốn thiếu dương khí càng trở nên ngột ngạt hơn.
Trong phong thuỷ
Người Việt hầu như không có truyền thống trồng cây to sát nhà, trước cửa hoặc gần lối đi ra đi vào vì rễ cây to dễ ăn vào nền móng nhà, nhiều lá rụng, sâu bọ, thậm chí bóng râm quá tạo nên sự u ám, thiếu sáng. Do đó nếu ai nói rằng đưa cây to vào nhà để hợp phong thuỷ là không đúng, chưa nói đến việc trồng cây trong giếng trời chục mét vuông. Về nguyên tắc, mộc sinh hỏa quả không sai, cây to trong rừng ẩm thấp mà vẫn cháy liên tục, cháy to và khó rập.
Về kỹ thuật
Việc đưa thân cây gỗ to lớn vào trong nhà thể hiện rằng con người vừa khao khát có được góc xanh, vừa muốn chiếm hữu phần ít ỏi nào đó làm của riêng. Ngoài chuyện phá rừng mang cây về phố, nếu trồng cây to mà không có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ gây ra những hệ luỵ xấu về sau như nền móng, lối thoát nước, ánh sáng của ngôi nhà.
Về thẩm mỹ
Dù có nhiều giải thưởng cao từ những góc chụp với cây xanh, nhưng không phải kiểu nhà nào, góc nhìn nào có cây xanh cũng đẹp cũng hay bởi một số cây có thể gây vướng víu, che khuất tầm nhìn, nhiều sâu bọ, hoa lá rụng nhiều,…
Gia chủ nên có sự phân tích thấu đáo những lợi ích và bất cập của việc đem cây xanh vào nhà để có được giải pháp tối ưu nhất.
————–
Theo doanh nhân Kim Nguyễn: Đưa cây xanh vào nhà cũng là một loại hình thức, chứ không phải giải pháp bắt buộc trong nguyên tắc thiết kế.
Tại sao gọi là hình thức?
Nó không hoàn toàn xuất phát từ chức năng, mà đóng vai trò điểm xuyết về cảnh quan
Nó không hoàn toàn xuất phát từ chức năng, mà chỉ đóng vai trò điểm xuyết về cảnh quan hoặc tạo cảm giác nhìn ngắm cho mướt mát mà thôi. Có cây xấu cây đẹp, có cây chỉ tươi tốt theo mùa, cây tàn tạ rất nhanh nếu không được chăm chút đúng mức. Gu cây của mỗi người là khác nhau, đôi khi chính những người đưa cây xanh vào nhà cũng không hiểu hết ý nghĩa của nó. Hơn nữa, không phải gia chủ nào, ngôi nhà nào cũng có thể chung sống được với cây xanh, nhất là những cây to. Với những lý do trên, đưa cây xanh vào nhà thực ra chỉ là một loại hình thức.
Ngay cả những ngôi nhà có lợi thế về không gian rộng, thoáng cũng không phải muốn trồng cây là trồng. Kinh nghiệm thực tế là nên ưu tiên các khu vực tầm nhìn đẹp, khí hậu tốt, dùng cây lá dày tán rộng che chắn ở những phía khí hậu khắc nghiệt và góc nhìn không đẹp.
Xử lý khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mưa nhiều như nước ta cần phải có giải pháp phần cứng trước (mái hiên rộng, che nắng bằng vật liệu thưa thoáng…), sau đó mới dùng cây xanh để hài hoà theo kiểu “trước cau sau chuối”. Nếu chỉ thực hiện theo cảm tính, thích cây này hoa nọ thì chỉ là chạy theo hình thức, thiếu tương thích về môi sinh và cảnh quan.
Ưu tiên các khu vực tầm nhìn đẹp, khí hậu tốt, dùng cây lá dày tán rộng che chắn
Với một số vùng mưa nhiều, nắng ít thì trồng cây to trước cửa lại thành vật cản, lưu bụi, ẩm, làm đường dẫn cho côn trùng sâu bọ xâm nhập. Không thể áp dụng việc trồng cây ở nông thôn tương tự như trồng cây ở đô thị bởi điều kiện đất đai, khí hậu, độ nắng gió khác nhau,…
Từ của quý đến của nợ chỉ cách nhau một bước. Cần chọn lọc, nghiên cứu và đưa vào nhà những loại cây phù hợp, chẳng hạn như sen đá, xương rồng, lô hội, trầu bà, vạn niên thanh,… là những cây dân dã, nhỏ gọn, có thể di dời khi không phù hợp.
—————–
KTS Cảnh quan Hứa Phước Vĩnh chia sẻ: Nên ưu tiên mảnh xanh bên ngoài. Hãy giữ gìn mảng xanh công cộng, giảm thiểu phá rừng, gia tăng mặt nước tự nhiên,…là những điều đã quá quen thuộc nhưng không nói không được, vì liên quan đến chuyện đưa cây vào công trình.
Nhiều công trình ở thành phố trông xanh mướt vậy nhưng trên thực tế đã phá đất đai tự nhiên, đưa cây từ nơi khác về trồng, chịu chi phí bảo dưỡng tương đối cao. Bởi vậy, mọi người khi sử dụng cây xanh cần có sự phân tích đúng đắn, hợp lý với công trình đấy. Trên thực tế, nên đầu tư vào không gian xanh công cộng. Bởi khi mật độ cây xanh đủ thì từng ngôi nhà cũng không cần chật vật đem cây xanh vào nhà. Thử nhìn các đô thị mới có mật độ cây xanh khá thì các dân cư sẽ không mất công sức trồng cái cây to đùng trong sân nhà mình.
Đô thị mới có mật độ cây xanh khá thì các dân cư sẽ không mất công sức trồng cái cây to đùng
Nếu vẫn muốn đưa cây xanh vào nhà thì hãy xem đó là một thú chơi cá nhân, có sự kiểm soát đúng mức để không gây phiền cho các thành viên trong gia đình, hàng xóm. Nhiều quốc gia có quy định rất chặt chẽ về việc đưa cây gì, trồng cây gì vào nhà và nếu không chăm sóc có hoa sẽ bị phạt. Những quy định nghe có vẻ vô lý nhưng họ đã tính toán rất kỹ để quy ra luật, để bảo vệ môi trường. Nếu không chăm sóc vườn tược để lá rụng đầy, không cắt cỏ để mọc tùm lum sẽ ảnh hưởng đến người khác, nó không còn là sở thích cá nhân nữa. Nói chung “chơi được chịu được”.
“Nhốt” cây xanh trong không gian chật hẹp mấy chục mét vuông thì không những phản khoa học mà còn sai về văn hóa ứng xử với thiên nhiên. Tất nhiên, nhà nào có diện tích rộng, có không gian, có thời gian chăm sóc cây cối thì xanh hóa không gian quá tuyệt vời. Hoặc với những mô hình không gian xanh mini, cho cây vào chậu, treo giàn có hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt thì vẫn có thể tạo nên những góc xanh, mảng xanh vừa xinh vừa đủ và vừa khoa học.
Có thể thấy, đêm không gian xanh vào nhà ở không phải chuyện đơn giản, một sớm một chiều hay có thể làm qua loa. Cần nghiên cứu, tìm hiểu, xem xét điều kiện nhà ở rồi mới đem cây xanh về. Và đã mang vào nhà thì phải có trách nhiệm chăm sóc, vun tưới để nó được phát triển và thể hiện đúng ý nghĩa “xanh hóa” của nó nhất.